18 thg 1, 2013

XỦI MẢ QUÊ MÌNH


Em có về quê nội cùng anh
Ngày xủi mả làng mình đông vui lắm
Đất trời cuối năm êm đềm, đằm thắm
Người bốn phương nhớ nguồn cội tìm về...!

Không biết có từ bao giờ, xủi mả đã trở thành một nét văn hóa của Làng La Hà quê tôi nói riêng và một số khu vực ở tỉnh Quảng Bình nói chung.
 Ở quê tôi, mọi người vẫn hay gọi là đi “xủi mả”. Mà như tôi biết thì chữ “xủi mả” cũng như “chạp mả” thường là lễ cúng cuối năm, vào tháng chạp nên gọi tên như vậy.
Với Lễ này, có người bảo tảo mộ, có người bảo chạp mả. Nếu dùng chữ “tảo mộ” thì tôi chập chờn mấy câu thơ của cụ Tiên Điền, “Thanh minh trong tiết tháng ba/ lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. Vậy tảo mộ là lễ diễn ra vào tiết mùa xuân, cùng với hội đạp thanh.  
Tôi thiển nghĩ, chắc đây chỉ là vấn đề phương ngữ trong cách gọi tên mà thôi. Thật ra dù gọi “tảo mộ”, “chạp mả” hay ở một số nơi gọi chệch thành “xủi mả” thì cũng là dịp đi thăm viếng mồ mả tổ tiên, người thân.
Con cháu trong Làng dù đang làm ăn sinh sống ở đâu cũng nhớ ngày giổ của dòng họ để trở về. Trước là nhớ về tổ tiên, ông bà. Sau là để gặp gở, trò chuyện  hàn huyên công việc trong một năm. Từ đó thắt chặt thêm mối thân tình của con cháu trong dòng họ cũng như mọi người được thông tin đầy đủ hơn các thành viên trong dòng họ. Đó là điều rất hay của Lễ xủi mả.
Buổi sáng, con cháu trong họ (chỉ con trai đã thành niên) tập trung sớm ở từ đường. Tất cả mang theo cuốc, rựa và một nắm nhang.  Sau khi các Cụ vào khấn lễ cáo xong là toàn thể kéo nhau lên bãi tha ma. Lễ cáo buổi sáng thường chỉ đơn giản, chỉ để báo cáo với tiên tổ là hôm nay cho phép con cháu lên tân trang mấy ngôi mộ. Trưởng họ sớ cáo từ giấy bổi màu vàng, ông dán lên một chiếc khung có chân đế rồi đặt lên bàn thờ.
Trước tiên, tất cả con cháu lên lăng ngài Thuỷ Tổ (ông Tổ họ mai là người đầu tiên khai khẩn lập làng La Hà). Bác trưởng họ thắp nhang xong thì con cháu dùng cuốc tỉa cỏ trên mộ, dùng rựa chặt cây bụi xung quanh cho quang đãng. Mỗi năm đến chạp, thích nhất là thấy các bác các chú có mặt đông đủ ở lăng ngài. Mấy ông cụ thì mặc áo dài chít khăn đóng rất cổ kính. Trong khi đó các cụ sẽ nhắc lại chuyện của tiền nhân, có người này làm quan người kia làm tước. Nghe thấy vui hẳn vì kể ra dòng họ mình cũng giỏi ra phết.
Từ lăng ngài Thuỷ Tổ, con cháu tản ra đi chăm chút mấy ngôi mộ của người thân. Có những ngôi mộ bị trâu bò húc mõm vào sứt mẻ. Dùng cuốc nhát miếng cỏ đặt lên là tròn trịa lại. Có ngôi mộ cây trinh nữ bò lên phủ kín. Trinh nữ ở quê tôi gọi là cây cỏ thẹn (xấu hổ), đơn giản vì chạm vào nó thì nó cụp lá lại như thẹn thùng. Ngán nhất là những ngôi mộ như thế này, chân lỡ mà chạm phải xấu hổ thì đau điếng cả lên.
Sau khi dọn dẹp tu bổ, ngôi mộ trông an lành hơn. Khi ấy sẽ thắp lên một nén nhang, người dưới kia chắc cũng cảm thấy ấm áp. Thương nhất là mấy ngôi mộ không có người thân, hoặc họ ở xa không về được. Mấy bác nhủ thắp nhang lên cho người ta bớt tủi. Ở Phụ Cồn, mộ vô chủ như vậy thì nhiều vô kể, nên chi cứ mỗi lần xuống đó là tôi thấy hoang hoải.
Xong việc dọn dẹp phát quang nghĩa địa, con cháu lại tập trung về nhà thờ họ hoặc nhà gia trưởng. Lúc ấy cũng sắp đến giờ ngọ rồi. Các cụ bắt đầu gióng chiêng trống, cử lễ chính thức. Bác trưởng tộc khấn xong, rót ba lần nước trong, trà, rượu. Kính cẩn đọc sớ cáo. Con cháu xếp hàng hai bên trật tự để nghe. Đọc xong sớ, bác gập đầu ba cái, tờ sớ đặt lên lại trên bàn thờ. Mấy hồi chiêng trống liên tiếp cứ như để đệm nhịp cho con cháu trong họ vái lạy. Cách lạy cũng có luật lệ cả, từ người bậc cao cho đến bậc thấp xét về vai vế trong họ. Vậy nên nhiều khi thấy một ông rất già vẫn phải vái sau một người trẻ. Họ tộc là thế, tuổi tác không quan trọng bằng thứ cấp.
Phần nghi lễ xong, đợi cháy hết một tuần nhang thì bưng mâm xôi cùng với đầu heo, con gà xuống chặt nhỏ, chia đều cho các mâm.
Nhớ ngày xưa ăn cỗ ở xủi mả không có bàn ghế mà ngồi trệt giữa nhà, quây quanh mấy chiếc mâm, có khi là cái nôống (nông phơi). Và tất nhiên không có chén đũa gì cả, xôi dưới thịt côi (trên). Tôi nhớ cái mâm xôi thịt lợn mà thấy vui. Ở giữa là xôi chất đầy, xung quanh thịt và lòng gan đã cắt nhỏ. Xôi đơm đầy tượng trưng cho sự no đủ, thịt thà bao quanh là biểu tượng sum vầy. Con cháu cứ thế ngồi xếp bàng xung quanh ăn ngon lành. Vừa ăn vừa nói chuyện thân mật. Anh dù quan to, ông này bà nọ thì khi về làng vẫn phải ngồi trệt như thế mà ăn. Cách ngồi cũng theo tuổi tác vai vế nữa, người cao tuổi thì ngồi giữa, con cháu chia ra ngồi hai bên… Kiểu ăn cỗ ở lễ chạp này có thể là diễn lại đời sống chung chạ của người xưa, qua đó nhắc khéo ta phải nhớ đến tổ tiên. Ăn như vậy thấy rất vui và cũng cảm thấy ngon hơn. Mâm xôi đến cúng được cắt 1/3 bưng về, ở nhà các bà các mẹ các chị không được đi xủi mả thì cũng có ăn miếng xôi cho biết hôm nay là ngày xủi mả, ngày chạp. Nhiều khi nghĩ người phụ nữ thiệt thòi trong chuyện này, thế nhưng chính họ là người nhớ lễ chạp hơn cả. Chúng ta yêu quê bởi trong đó nhận ra được những nét đẹp rất riêng, có thể gọi đó là văn hoá ngày xủi mả thật đúng là văn hoá của đồng ruộng làng quê tôi mà ít nơi nào có được.
        Ngày nay quê tôi đã đổi thay nhiều, lăng mộ xây, lát đá, mồ mả ông bà gia tộc tập trung lại trong lăng, nền lát xi măng… Thế là cánh đàn ông chỉ việc sơn màu hoặc vôi ve lại, quét dọn sạch sẽ rồi thắp hương trên các mộ chí…Chỉ cần vài chục phút là xong. Còn chị em phụ nữ cũng thoải mái hơn vì có các dịch vụ nấu nướng đưa đến tận nhà. Chỉ có các chị con dâu vất vả hơn tý chút vì phải lo mâm cơm cúng gia tiên và lo nước nôi, dọn dẹp.
        “Xủi mả” ở quê tôi là thế. Rất vui vì có thể có những người cả năm trời không gặp nhau chỉ chờ đến ngày này đoàn viên.

15 thg 1, 2013

Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi!


Trách ai mái tóc thơm hương 
Để anh lòng dạ vấn vương bốn mùa.
Mùi hương như thể bỏ bùa
Để anh ngày nhớ đêm mơ tóc dài!