19 thg 3, 2013

Tự hào khi nghe bài hát "Quảng Văn đất mẹ yêu thương"


Tác giả bài hát này là bác Trần Xuân Yển sinh năm 1948, quê ở xã Quảng Văn, hiện là cán bộ nghỉ hưu tại tiểu khu 5 Thị trấn nông trường Việt Trung, trước đây tôi đã nghe một vài lần, nhưng đến Lễ hội dâng hương Đình làng xuân Quý Tỵ 2013 vừa rồi, khi nghe bài hát trong không gian đó trong tôi dâng lên bao cảm xúc khó tả - Niềm tự hào về quê hương.
Làng đảo quê tôi có từ bao đời
Qua ngàn năm được phù sa bồi đắp
Nỗi giữa dòng Gianh như bức tranh thuỷ mặc
Bình minh, huyền ảo trong sương
 
Làng đảo quê tôi mỗi độ vào xuân
Ngày hội làng quê trẻ già náo nức
Xóm Trung, Đông, Tây, xóm Đình tụ họp
Dâng hương, vui hội ngày xuân
 
Quảng Văn đây quê hương tôi.
Bên luỹ tre xanh em vẫn ngồi may nón
Chuyện Bến Voi xưa còn mãi lưu truyền
Chuyện rằng: Thời Trịnh Nguyễn phân tranh
Voi vượt sông chìm sâu đáy nước
Quê hương là vậy, mọi thứ tưởng như đời thường trong cuộc sống thường nhật của mỗi người đã tự nó lưu lại trong ký ức và thỉnh thoảng bổng dâng trào lên trong tâm trí, trong khóe mắt của người xa quê. Cũng trong nỗi niềm da diết đó, cũng trong cái vời vợi xa xăm của quê hương thì Trần Xuân Yển đã phác họa quê hương của mình bằng những ngôn từ hết sức mộc mạc chân tình nhưng cũng không kém phần thiêng liêng và sâu thẳm! "Quảng Văn đất mẹ yêu thương" đã đưa ta trở về với dòng sông  kỷ niệm, gặp lại mình và để thức tỉnh những người con rời xa quê hương bản xứ. Lắng nghe trong sự mượt mà của ca từ trên chất liệu của ngôn ngữ âm nhạc dân tộc cùng chất liệu dân ca đằm thắm để thấy tâm hồn đồng điệu và lòng trào dâng tình quê da diết. Với " Quảng Văn đất mẹ yêu thương " mỗi người chúng ta đều tự tìm thấy mình trong đó, vì thế nó đã là bài ca của mọi người con của Quảng Văn.
Quảng Văn quê hương yêu ơi!
Nước Rào Nan vẫn bốn mùa xanh mát
Người dân quê tôi Lương – Giáo sum vầy
Nón em may nghiêng mùa vàng câu hát
Gương bao anh hùng của người con quê hương
Đất mẹ anh hùng, Quảng Văn yêu thương!
       Là một người sáng tác không chuyên có được tác phẩm như thế nghĩ cũng sướng! Riêng tôi, cũng hơi ghen với anh nhưng thấy vẫn được vui lây! Bởi đơn giản, anh là đồng hương của tôi - Những người con của quê hương Quảng Văn. Chúc cho anh sức khỏe và tình yêu để tiếp tục cống hiến cho đời những tác phẩm có giá trị như "Quảng văn đất mẹ yêu thương"!

12 thg 3, 2013

Đến Ba Đồn thưởng thức Sò huyết Ngự Mận


         Ai đã từng ghé thăm Quảng Bình và khi đến thưởng thức món Sò huyết sông Loan (Sông Roòn) này tại quán Ngự Mận đều phải công nhận rằng đây là loại hảo hạng đặc biệt. Đặc biệt từ chất lượng Sò, cách chế biến, cách bày biện, các món gia giảm đi kèm, chai rượu men riềng pha bột sắn dây.v.v.

        Hỏi quán Sò huyết mệ Mận ở thị trấn Ba Đồn thì nhiều người biết mặc dù quán chẳng ra quán, cũng không hề có bảng biển. Chủ quán là vợ chồng ông bà Ngự-Mận. Hai ông bà tỉ mẩn cắt từng loại phụ gia sẵn sàng, khách muốn ăn nhanh thì điện thoại báo giờ trước cho ông bà chuẩn bị. Khách đến, trong khi bà Mận trụng sò qua nước sôi và ngồi tách sò thì ông Ngự đổ mù tạt ra chén đầy xì dầu rồi đánh cho tan đều. Sò chần qua nước sôi với bí quyết và bàn tay khéo léo của bà Mận nên không quá chín, thịt và huyết còn tươi. Ai chưa quen, ông Ngự ngồi hướng dẫn cách ăn luôn, vừa làm ông vừa đọc mấy câu thơ: Sò huyết cháo lươn quán không tên/ Quán không bàn ghế chiếu trải nền/ Quý khách gần xa thăm ghé quán/ Dẫu một đôi lần quán chẳng quên…

Toàn cảnh mâm Sò huyết cho 6 người
         Hành, ngò, rau quế, giá đỗ sống, nộm chua, tỏi sát mỏng, gừng cắt nhỏ, đậu lạc, dứa thơm, bắp chuối tươi… mỗi thứ một ít cho vào chén rồi lấy thìa múc 1 con sò cả huyết bỏ lên, sau đó múc nước mù tạt rải, nặn thêm ít giọt chanh tươi nữa và trộn đều, sau đó thưởng thức chúng từ từ… Miếng thịt sò mát, béo lịm quyện với vị chua chua của nộm đu đủ, cay của gừng, chát của bắp chuối, vị nồng của mù tạt ngào ngạt trong vòm miệng. Nhai vừa đủ mù tạt xông lên mũi thì nuốt ực. Làm thêm ngụm rượu men riềng pha bột sắn dây của xứ Quảng Châu vào, lúc này mồ hôi cũng vừa toát ra khiến tâm hồn lâng lâng khó tả...

Chai rượu men riềng pha bột sắn dây

        Thật là một món ngon nhớ mãi. Nếu có dịp các bạn cứ đến Ba Đồn đến Sò huyết Ngự Mận thưởng thức một bữa, đảm bảo tối ấy khi về nhà… sáng hôm sau vợ các bạn sẽ cười tít cả mắt cho mà xem. Hehe!

25 thg 2, 2013

Lễ hội Đình làng La Hà


Trong tâm hồn mỗi con ngươi sinh ra ở nông thôn Việt Nam thì cây đa, giếng nước, sân đình đều in sâu dấu ấn trong tâm hồn. Cây đa, giếng nước, sân đình là nơi nghịch ngợm hồn nhiên thủa còn thơ, là nơi tụ tập tránh nắng trưa hè đón gió tối hè với các trò chơi con trẻ với bạn bè thủa cắt cỏ chăn trâu. Cây đa, giếng nước, sân đình cũng là nơi tụ họp trước khi những chàng trai cô gái lên đường làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương. Cây đa, giếng nước cũng là nơi những đôi trai gái tâm tình chuyện trăm năm dưới ánh trăng sáng ngời. Đình làng cũng là nơi để lúc lớn tuổi về thắp nén hương cúi đầu tưởng niệm trước hồn thiêng của ông cha đã dựng xây nên làng xóm quê mình. Đình làng là nơi lưu giữ bao giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là nơi cha ông gửi gắm tâm nguyện của mình vào cho cháu con như một đôi câu đối tôi đã đọc được trong một đình làng:

"Mái đình che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên".

Băng rôn chào đón con em về dự Lế dâng hương từ đầu làng
Đình làng La Hà thuộc thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch. Đình được xây dựng trên một khu đất cao ở phía tây nam của làng, đình hướng về núi Hòn Vắp, trước mặt là hói Đình nối nguồn Nậy và nguồn Son.

Cổng vào Lễ hội Đình làng
Đình làng La Hà được xây dựng vào năm 1859, do con cháu năm dòng họ trong làng, đó là họ Mai, họ Phạm, họ Trần (Côi), Trần (Dưới) và họ Tạ góp công, góp của tạo dựng. Đình có khuôn viên rộng 2000m2, trước mặt là nơi giao hội của các nhánh sông Son, sông Nan và các nhánh sông nhỏ.

Bằng xếp hạng
Ngày xưa, các cụ gọi là hướng “Long hồi hổ phục”. Trước cửa đình có một dòng nước hồi chảy ngược theo hướng đông tây về tụ lai đầu thôn. Hòn Vắp phía trước đình như một con hổ đang nằm phủ phục nhìn về làng.

Khai mạc Lễ hội




Bàn thờ thần Thành hoành Làng


Mâm cổ của các dòng họ



Heo quay thể hiện sự no đủ


                                                    Con em tập trung về dự Lễ dâng hương


                                                       Người tham gia nhiều hơn


Các trưởng thôn lễ



                                                                      Các dòng họ dâng hương Đình làng


                                                              Lãnh đạo địa phương dâng hương Đình làng

                   Con em làm ăn xa vào dâng hương Đình làng

18 thg 1, 2013

XỦI MẢ QUÊ MÌNH


Em có về quê nội cùng anh
Ngày xủi mả làng mình đông vui lắm
Đất trời cuối năm êm đềm, đằm thắm
Người bốn phương nhớ nguồn cội tìm về...!

Không biết có từ bao giờ, xủi mả đã trở thành một nét văn hóa của Làng La Hà quê tôi nói riêng và một số khu vực ở tỉnh Quảng Bình nói chung.
 Ở quê tôi, mọi người vẫn hay gọi là đi “xủi mả”. Mà như tôi biết thì chữ “xủi mả” cũng như “chạp mả” thường là lễ cúng cuối năm, vào tháng chạp nên gọi tên như vậy.
Với Lễ này, có người bảo tảo mộ, có người bảo chạp mả. Nếu dùng chữ “tảo mộ” thì tôi chập chờn mấy câu thơ của cụ Tiên Điền, “Thanh minh trong tiết tháng ba/ lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. Vậy tảo mộ là lễ diễn ra vào tiết mùa xuân, cùng với hội đạp thanh.  
Tôi thiển nghĩ, chắc đây chỉ là vấn đề phương ngữ trong cách gọi tên mà thôi. Thật ra dù gọi “tảo mộ”, “chạp mả” hay ở một số nơi gọi chệch thành “xủi mả” thì cũng là dịp đi thăm viếng mồ mả tổ tiên, người thân.
Con cháu trong Làng dù đang làm ăn sinh sống ở đâu cũng nhớ ngày giổ của dòng họ để trở về. Trước là nhớ về tổ tiên, ông bà. Sau là để gặp gở, trò chuyện  hàn huyên công việc trong một năm. Từ đó thắt chặt thêm mối thân tình của con cháu trong dòng họ cũng như mọi người được thông tin đầy đủ hơn các thành viên trong dòng họ. Đó là điều rất hay của Lễ xủi mả.
Buổi sáng, con cháu trong họ (chỉ con trai đã thành niên) tập trung sớm ở từ đường. Tất cả mang theo cuốc, rựa và một nắm nhang.  Sau khi các Cụ vào khấn lễ cáo xong là toàn thể kéo nhau lên bãi tha ma. Lễ cáo buổi sáng thường chỉ đơn giản, chỉ để báo cáo với tiên tổ là hôm nay cho phép con cháu lên tân trang mấy ngôi mộ. Trưởng họ sớ cáo từ giấy bổi màu vàng, ông dán lên một chiếc khung có chân đế rồi đặt lên bàn thờ.
Trước tiên, tất cả con cháu lên lăng ngài Thuỷ Tổ (ông Tổ họ mai là người đầu tiên khai khẩn lập làng La Hà). Bác trưởng họ thắp nhang xong thì con cháu dùng cuốc tỉa cỏ trên mộ, dùng rựa chặt cây bụi xung quanh cho quang đãng. Mỗi năm đến chạp, thích nhất là thấy các bác các chú có mặt đông đủ ở lăng ngài. Mấy ông cụ thì mặc áo dài chít khăn đóng rất cổ kính. Trong khi đó các cụ sẽ nhắc lại chuyện của tiền nhân, có người này làm quan người kia làm tước. Nghe thấy vui hẳn vì kể ra dòng họ mình cũng giỏi ra phết.
Từ lăng ngài Thuỷ Tổ, con cháu tản ra đi chăm chút mấy ngôi mộ của người thân. Có những ngôi mộ bị trâu bò húc mõm vào sứt mẻ. Dùng cuốc nhát miếng cỏ đặt lên là tròn trịa lại. Có ngôi mộ cây trinh nữ bò lên phủ kín. Trinh nữ ở quê tôi gọi là cây cỏ thẹn (xấu hổ), đơn giản vì chạm vào nó thì nó cụp lá lại như thẹn thùng. Ngán nhất là những ngôi mộ như thế này, chân lỡ mà chạm phải xấu hổ thì đau điếng cả lên.
Sau khi dọn dẹp tu bổ, ngôi mộ trông an lành hơn. Khi ấy sẽ thắp lên một nén nhang, người dưới kia chắc cũng cảm thấy ấm áp. Thương nhất là mấy ngôi mộ không có người thân, hoặc họ ở xa không về được. Mấy bác nhủ thắp nhang lên cho người ta bớt tủi. Ở Phụ Cồn, mộ vô chủ như vậy thì nhiều vô kể, nên chi cứ mỗi lần xuống đó là tôi thấy hoang hoải.
Xong việc dọn dẹp phát quang nghĩa địa, con cháu lại tập trung về nhà thờ họ hoặc nhà gia trưởng. Lúc ấy cũng sắp đến giờ ngọ rồi. Các cụ bắt đầu gióng chiêng trống, cử lễ chính thức. Bác trưởng tộc khấn xong, rót ba lần nước trong, trà, rượu. Kính cẩn đọc sớ cáo. Con cháu xếp hàng hai bên trật tự để nghe. Đọc xong sớ, bác gập đầu ba cái, tờ sớ đặt lên lại trên bàn thờ. Mấy hồi chiêng trống liên tiếp cứ như để đệm nhịp cho con cháu trong họ vái lạy. Cách lạy cũng có luật lệ cả, từ người bậc cao cho đến bậc thấp xét về vai vế trong họ. Vậy nên nhiều khi thấy một ông rất già vẫn phải vái sau một người trẻ. Họ tộc là thế, tuổi tác không quan trọng bằng thứ cấp.
Phần nghi lễ xong, đợi cháy hết một tuần nhang thì bưng mâm xôi cùng với đầu heo, con gà xuống chặt nhỏ, chia đều cho các mâm.
Nhớ ngày xưa ăn cỗ ở xủi mả không có bàn ghế mà ngồi trệt giữa nhà, quây quanh mấy chiếc mâm, có khi là cái nôống (nông phơi). Và tất nhiên không có chén đũa gì cả, xôi dưới thịt côi (trên). Tôi nhớ cái mâm xôi thịt lợn mà thấy vui. Ở giữa là xôi chất đầy, xung quanh thịt và lòng gan đã cắt nhỏ. Xôi đơm đầy tượng trưng cho sự no đủ, thịt thà bao quanh là biểu tượng sum vầy. Con cháu cứ thế ngồi xếp bàng xung quanh ăn ngon lành. Vừa ăn vừa nói chuyện thân mật. Anh dù quan to, ông này bà nọ thì khi về làng vẫn phải ngồi trệt như thế mà ăn. Cách ngồi cũng theo tuổi tác vai vế nữa, người cao tuổi thì ngồi giữa, con cháu chia ra ngồi hai bên… Kiểu ăn cỗ ở lễ chạp này có thể là diễn lại đời sống chung chạ của người xưa, qua đó nhắc khéo ta phải nhớ đến tổ tiên. Ăn như vậy thấy rất vui và cũng cảm thấy ngon hơn. Mâm xôi đến cúng được cắt 1/3 bưng về, ở nhà các bà các mẹ các chị không được đi xủi mả thì cũng có ăn miếng xôi cho biết hôm nay là ngày xủi mả, ngày chạp. Nhiều khi nghĩ người phụ nữ thiệt thòi trong chuyện này, thế nhưng chính họ là người nhớ lễ chạp hơn cả. Chúng ta yêu quê bởi trong đó nhận ra được những nét đẹp rất riêng, có thể gọi đó là văn hoá ngày xủi mả thật đúng là văn hoá của đồng ruộng làng quê tôi mà ít nơi nào có được.
        Ngày nay quê tôi đã đổi thay nhiều, lăng mộ xây, lát đá, mồ mả ông bà gia tộc tập trung lại trong lăng, nền lát xi măng… Thế là cánh đàn ông chỉ việc sơn màu hoặc vôi ve lại, quét dọn sạch sẽ rồi thắp hương trên các mộ chí…Chỉ cần vài chục phút là xong. Còn chị em phụ nữ cũng thoải mái hơn vì có các dịch vụ nấu nướng đưa đến tận nhà. Chỉ có các chị con dâu vất vả hơn tý chút vì phải lo mâm cơm cúng gia tiên và lo nước nôi, dọn dẹp.
        “Xủi mả” ở quê tôi là thế. Rất vui vì có thể có những người cả năm trời không gặp nhau chỉ chờ đến ngày này đoàn viên.

15 thg 1, 2013

Thương lắm, thương lắm tóc dài ơi!


Trách ai mái tóc thơm hương 
Để anh lòng dạ vấn vương bốn mùa.
Mùi hương như thể bỏ bùa
Để anh ngày nhớ đêm mơ tóc dài!